Khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của các trang web mua nhóm kém hiệu quả đã tạo nên bức tranh mới cho TMĐT Việt.
1. Cuộc đổ bộ của các công ty lên mạng...Doanh nghiệp vốn kinh doanh truyền thống sẽ phải suy nghĩ lại về việc có online hay không các sản phẩm và dịch vụ của mình. Cách đây vài năm những doanh nghiệp vốn kinh doanh truyền thống còn lưỡng lự thì giờ họ có ít cơ hội để lựa chọn hơn và xu thế online hóa mọi ngành hàng đang là tất yếu.
Chúng ta thấy những doanh nghiệp lớn gần đây tìm cách chuyển dịch sang kinh doanh trực tuyến như FPT, Viettel hay các công ty vốn có nhiều năm kinh nghiệm làm thương mại điện tử như Thegioididong cũng tuyên bố sẽ đầu tư mạnh tay hơn cho thương mại điện tử.
Chỉ sau 2 năm có tới gần 100 doanh nghiệp kinh doanh loại hình thẻ giảm giá, voucher, mua theo nhóm hay mô hình khuyến mại giảm giá sốc, đó là chưa kể tới các website khác không đăng kí kinh doanh.
Giá cả đầu vào, chi phí nhân sự cồng kềnh và bất ổn định về kinh tế khiến các doanh nghiệp phải trú ngụ ở nơi an tòan. Mảnh đất online sẽ là vùng đất khai phá mới của các doanh nghiệp vốn khá bảo thủ trong kinh doanh truyền thống. VMG từ kinh doanh nội dung số bắt đầu nhảy sang mảng B2C (bán hàng cho người dùng) khi nhận thấy sự bất ổn định của thị trường, Hanel vốn là công ty vốn nhà nước cũng đã thành lập website bán hàng trực tuyến với quy mô lớn, FPT retail cũng không ngoại lệ khi đầu tư mạnh FPT Shop kết hợp với bán hàng online, Viettel không bỏ lỡ cơ hội khi họ có đầy đủ nguồn lực trong tay để mở rộng mảng bán lẻ online, VNG tái khởi động dự án thương mại điện tử khi tung ra công cụ thanh toán riêng của mình... và hàng chục ngàn doanh nghiệp khác đang chuyển từ mô hình offline sang online.
2. Lợi ích của bão giáKhông phải giá thành sản phẩm tăng cao là lý do khiến người dùng giảm mua sản phẩm mà do hầu bao của họ dần bị thắt chặt. Trước đây bạn có thể mua một sản phẩm dù nó có thực sự cấp thiết cho nhu cầu của bạn hay không thì bây giờ bạn phải cân nhắc. Lý do không hẳn là bạn không có ngân sách dành cho việc mua sắm đó mà là nỗi lo ngại ở thì tương lai rằng bạn sẽ không có cơ hội mua các sản phẩm thiết yếu thực sự nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn và thu nhập của bạn thì ngày càng đi xuống.
Với tâm lý này thì những mặt hàng vốn có thể cần thiết trở nên không thiết yếu, và những mặt không cần thiết trở nên vô cùng xa xỉ. Sự lo ngại tương lai đã kéo theo sự dè dặt trong chi tiêu hiện tại, nó ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ hiện tại và điều đó khiến các doanh nghiệp trở nên khó khăn khi tiếp tục phải chịu các khoản chi phí cố định cũng như lưu động không thể cắt giảm trong khi dòng vốn không thể lưu thông.
Cách duy nhất là giảm giá. Vậy lợi ích của việc giảm giá này sẽ giúp thương mại điện tử phát triển như thế nào?
Nếu bạn đi một lượt qua các dãy phố cách đây một năm vốn sầm uất các cửa hàng, cửa hiệu thì nay đã phần đã treo biển nhượng lại cửa hàng, cho thuê lại, thanh lý hoặc không thì cũng off sale 50-70%... nhưng vẫn không thể kinh doanh bằng trước. Cách duy nhất là cắt giảm chi phí. Vậy có cách nào để không cần thuê mặt bằng, không tốn nhiều nhân công mà vẫn có thể bán hàng không? Liệu có cách nào khi bạn cần thanh lý nhanh một loại mặt hàng với số lượng lớn một cách nhanh chóng mà không tốn nhiều chi phí quảng cáo mà vẫn hoàn vốn trong thời gian ngắn nhất có thể hay không. Để làm điều này cách duy nhất là bạn tiếp cận được với các khách hàng đã từng mua sản phẩm của bạn càng nhanh càng tốt bởi họ là người đã từng dùng dịch vụ của bạn nên sẽ có độ tin cậy cao hơn với các thông tin giảm giá kiểu này, các cửa hàng offline khó có thể làm được.
Chính bão giá (vào thời điểm này hay thời điểm khác) sẽ giúp thương mại điện tử phát triển nhanh hơn. Và nếu đây là một xu hướng bắt buộc phải diễn ra thì thay vì đợi vài năm nữa chúng ta đang thấy sự chuyển dịch diễn ra từng ngày. Vậy thì chúng ta có nên cảm ơn sự suy giảm của nền kinh tế này hay không? Các nhà chức trách chưa hẳn thích điều này nhưng những người mong chờ sự phát triển của thương mại điện tử thì có thể bắt đầu mừng thầm!
3. Trò chơi giảm giá...Tất cả đều phải giảm giá mới cạnh tranh và khi có một mặt hàng được doanh nghiệp khác bán giảm giá vô hình tạo sức ép lên các doanh nghiệp tương tự khiến họ phải giảm giá theo. Có thể trong vài năm tới khách hàng sẽ tha hồ lựa chọn các mặt hàng giảm giá nếu kinh tế không khả quan hơn và bão giá chưa được khắc phục triệt để. Tất nhiên đó là công việc của chính phủ còn các doanh nhân không thể ngồi chờ để biết doanh nghiệp mình sẽ đi về đâu. Hoặc bạn ngồi nhìn doanh nghiệp đối thủ bán được hàng hoặc bạn phải cắn răng giảm lợi nhuận của mình để giảm bớt hàng tồn kho, dù là cách nào thì khách hàng cũng đều được lợi.
Cuộc chơi mua hàng theo nhóm từng cuốn hút gần trăm website ViệtTừ giảm thực tới giảm ảo.Có thực sự là tất cả các mặt hàng sẽ được bán với đúng giá trị của nó hay đây chỉ là hình thức tăng để giảm? Các doanh nghiệp bán hàng theo nhóm, hàng khuyến mại (điển hình là muachung.vn, hotdeal.vn, nhommua.com, cucre.vn) đã từng có lúc đạt doanh số bán hàng lên tới 50 tỷ/tháng. Đây là con số đáng mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ với tuổi đời non trẻ nhưng nếu để ý tất cả các mặt hàng giảm giá đều không rẻ như khách hàng nghĩ, giá sản phẩm của một mặt hàng đã bị đẩy lên gấp rưỡi thậm chí gấp đôi trước khi giảm giá, và thực tế người tiêu dùng chỉ được giảm có 5-10% mà thôi. Thực tế là các nhà phân phối chỉ được hoa hồng 20-25% từ nhà cung cấp nên không thể có chuyện giảm giá tới 40-50% ngoại trừ một số mặt hàng về dịch vụ.
Tại sao lại có việc này? Lý do đơn giản là các doanh nghiệp bán lẻ từ khi chuyển từ offline sang online bị mất đi một lượng lớn khách hàng vãng lai. Những khách hàng này trước kia biết tới họ khi cửa hàng nằm trên một tuyến phố lớn có nhiều người qua. Nay họ mất một khoản chi phí dành cho quảng cáo. Việc giảm giá ảo ngoài tính chất hấp dẫn khách hàng thì họ vẫn phải đảm bảo lợi nhuận, chính sự thiếu am hiểu thị trường giá cả của khách hàng khiến cho các gian hàng ảo ngày càng ảo hơn.
Lợi ích thực sự đang rơi vào tay các nhà quảng cáo, các công ty truyền thông và báo chí còn khách hàng thì hầu như không được lợi nhiều hơn mà chỉ quen hơn với hình thức mua sắm này và bị lệ thuộc vào nó. Đến một lúc nào đó cơn mơ của người tiêu dùng bừng tỉnh thì cũng là lúc các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến gặp ác mộng, họ lại quay trở về mô hình bán hàng truyền thống B2C nhưng trên mạng internet và đánh đổi lợi ích về giá bằng chất lượng dịch vụ thông qua trải nghiệm mua sắm. Sự sụp đổ của các website bán hàng khuyến mãi kiểu này là một minh chứng. Hầu như thị trường có tới hơn 100 trang web này giờ đây chỉ còn vài doanh nghiệp làm tốt và chất lượng là có thể tồn tại và phát triển.
Sự chuyển dịch lần 2 này sẽ gây tốn kém không ít cho doanh nghiệp nếu họ không chuẩn bị trước bằng việc cung cấp dịch vụ chất lượng tốt cho khách hàng ngay từ bây giờ.
4. Các công ty trực tuyến nội thua ngay trên sân nhà?Hiện tại sẽ có hai lựa chọn cho một doanh nghiệp hoặc là kinh doanh trực tuyến hoặc là kinh doanh dạng hybrid (lai) là vừa online vừa offline. Các doanh nghiệp chọn hướng đi đúng với năng lực của mình sẽ có khả năng vượt qua thời khắc khó khăn để phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên sự dập khuôn theo các mô hình của công ty bạn khiến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến nội vẫn khá yếu ớt. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì làm ăn khá bài bản. Thương mại điện tử nội có "làm nên cơm cháo" hay chỉ là cuộc dạo chơi trước sự đổ bộ của công ty nước ngoài còn tùy thuộc vào sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp nội và chúng ta hãy cùng chờ xem.