Ngay sau khi thông tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp qua đời được truyền đi khắp thế giới, hàng loạt tờ báo lớn ở Trung Quốc đã có các bài viết bày tỏ sự trân trọng vị danh tướng rất được yêu mến, kính trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên lễ đài tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 1/1/1955.
Nhân dân nhật báo viết "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự quan trọng trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam đã qua đời, hưởng thọ 102 tuổi. Dù không khởi nghiệp từ quân nhân, nhưng vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhiều lần chỉ huy tác chiến thắng lợi, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."
Trong hai ngày nay, mạng Tân Hoa cũng liên tục đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi ông là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới. Mạng tin cũng đăng tải các ảnh tư liệu về Đại tướng - chân dung của Đại tướng, ảnh ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh những lần chỉ huy tác chiến, ảnh trên trang bìa tạp chí Thời đại của Mỹ, tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Cartro và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại nhà riêng ở Hà Nội.
Trang quân sự của mạng Hoàn Cầu nêu bốn điểm nổi bật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ông là một trong những nhà sáng lập của quân đội Việt Nam; trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chỉ huy hàng loạt chiến dịch chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dư luận phương Tây mệnh danh ông là "Hùm Xám Điện Biên", và vào tháng 3/1972 Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát động cuộc tấn công "lễ Phục sinh" với quy mô lớn, khiến Mỹ bắt đầu quyết định thoát khỏi cuộc chiến tại Việt Nam; là người bạn tốt của người dân Trung Quốc, có công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; tạp chí Thời đại của Mỹ từng 3 lần đăng ảnh ông trên trang bìa, ông là nhân vật được tôn kính chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Không đầy 12 giờ đồng hồ sau khi thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời được truyền đi khắp thế giới, mạng Phượng Hoàng đã mở trang riêng tập hợp hàng chục bài viết và tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Đài truyền hình trung ương CCTV đưa tin vào lúc 7 giờ 42 phút ngày 5/10, các đài truyền hình khác cũng đã đưa tin và phát lại những thước phim về Đại tướng và gia đình ở nhà riêng.
Trong số ra ngày 6/10, tờ Thương báo ở Hong Kong đã dành 2/3 trang thời sự quốc tế đăng bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với tiêu đề "Danh tướng chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam Võ Nguyên Giáp, người mà kẻ địch cũng phải kính trọng đã từ trần, hưởng thọ 102 tuổi," bài báo viết rằng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 tới năm 1954, với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy triển khai hàng loạt chiến dịch chống Pháp. Đặc biệt sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, danh tiếng của ông trở nên lẫy lừng. Sau đó, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, tạp chí "Thời đại" đã ba lần đăng ảnh ông Võ Nguyên Giáp trên trang bìa (tháng 1/1966, tháng 2/1968 và tháng 5/1972).
Trong số tháng 5/1972, tạp chí Thời đại dẫn đánh giá của người Pháp, gọi ông Võ Nguyên Giáp là "núi lửa phủ tuyết trắng", miêu tả ông là một kỳ tài quân sự, bên ngoài phẳng lặng nhưng nội tâm sục sôi.
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "nhân vật anh hùng huyền thoại của Việt Nam."
Tờ Minh báo cùng ngày đưa tin "Vị anh hùng độc lập được tôn kính ở Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã từ trần, hưởng thọ 102 tuổi." Tờ báo nêu rõ ông Võ Nguyên Giáp từng lãnh đạo quân đội Việt Nam đánh bại quân đội Pháp và quân đội Mỹ. Các nhà lịch sử đã đặt ông ở vị trí ngang với các danh tướng như Montgomery (Anh), Rommel (Đức) và MacArthur (Mỹ)...
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng số ra ngày 4/10 đã dành hơn nửa trang "châu Á" để đăng bài và ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gồm ảnh thành lập Đội Việt Nam Tuyên tuyền Giải phóng quân năm 1944, ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1950, gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1959, gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1997 và gặp gỡ phụ nữ dân tộc thiểu số ở Điện Biên Phủ năm 2004.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nhà nước và các báo lớn của Algeria ngày 5/10 đều trích đăng thông cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đăng ảnh và đưa đậm tin ca ngợi những công lao của Đại tướng đối với dân tộc Việt Nam, lịch sử quân sự thế giới và độc lập của các dân tộc.
Hãng thông tấn quốc gia Algeria (APS) ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "vị tướng huyền thoại", người "anh hùng của dân tộc Việt Nam." Trong con mắt của giới báo chí Algeria, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "kiến trúc sư thắng lợi của Việt Nam" trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (báo Liberté), "người anh hùng của nền độc lập Việt Nam và chiến lược gia trận Điện Biên Phủ" (El Watan), người khiến quân Pháp "thua đậm" ở Điện Biên Phủ (El Moudjahid), một "chiến lược gia quân sự ngoại hạng" (L'Expression), "một trong những chiến lược gia quân sự quan trọng nhất trong lịch sử mà các tướng Pháp và Mỹ cũng phải thừa nhận" (Liberté).
Dư luận Algeria coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "một người bạn lớn của nhân dân Algeria" (theo APS), người đã "làm rạng danh cuộc đấu tranh của các dân tộc chống thực dân và ách thống trị của nước ngoài" (L'Expression), "đi vào lịch sử quân sự và các công trình nghiên cứu quân sự và chiến lược của thế giới (Le Temps d'Algérie) và là người "được tất cả nể trọng, kể cả các địch thủ của ông" (Horizons).
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những gương mặt chính trị vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20. Cha đẻ của nền độc lập cùng với Hồ Chí Minh, vị anh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh, ông là vị tướng duy nhất có thể tự hào cùng lúc chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ." Tác giả Philippe Paquet đã viết như vậy trong bài báo đăng trên tờ La Libre (Tự do) của Bỉ số ra ngày 5/10 sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
Trong bài báo, tác giả điểm lại những nét chính trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là học sinh trường trung học Pháp Albert Sarraut, sau đó là sinh viên Đại học Đông Dương, ông rất giỏi tiếng Pháp nhưng sớm bộc lộ lòng căm ghét chủ nghĩa thực dân. Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản và được cử sang Trung Quốc học tập, ông trở về nước và thể hiện sự tự tin và sắc bén trong các cuộc đàm phán với Tướng Salan.
Nhà báo Philippe Paquet nhấn mạnh: "Mọi người đều biết chính trong lòng chảo Điện Biên Phủ, số phận của Pháp ở Đông Dương đã bị quyết định vào tháng 5 năm 1954." Tác giả cũng khẳng định "chính tướng Giáp là người lật đổ chế độ ngụy quyền Nam Việt Nam do Mỹ bảo trợ để thống nhất đất nước."
Kết luận bài báo, tác giả miêu tả: "Dù bận rộn nhưng Tướng Giáp luôn dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí và ông luôn thể hiện là một người khiêm tốn, giản dị, thậm chí rất bình thường. Vì thế ông đã đi vào lòng dân, đúng như hàng loạt điện chia buồn đăng tải dày đặc trên các mạng xã hội sau khi thông tin ông từ trần được công bố".